Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Góp phần tìm hiểu sự thật về giáo sư Nguyễn Lân (1)

                                       Lê Mạnh Chiến lược thuật và khảo chứng
       Hàng năm, sau tết nguyên đán, nhóm bạn đồng môn trung học (cấp 2) hồi trước năm 1954 của chúng tôi thường tổ chức cuộc họp mặt đầu năm để nhó lại những kỷ niệm sâu đậm xa xưa trong thời kháng chiến chống Pháp, để đổi những suy tư hoặc chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn.  Năm nay, họ gặp nhau vào ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch tại nhà bạn Minh Trí ở quận Tây Hồ. Anh bạn này có ngôi nhà khang trang, có sân, có vườn, rất thích hợp với những cuộc họp mặt vui vẻ. Hơn nữa, anh lại là người ham đọc sách, có thói quen tra cứu kỹ lưỡng, có suy nghĩ độc lập, chịu khó mua sắm những quyển sách mà anh cảm thấy cần thiết cho sự hiểu biết của mình  nên anh có vốn hiểu biết khá sâu rộng.  Đến nhà anh, bao giờ chúng tôi cũng biết thêm nhiều điều lý thú và bổ ích. Nhờ thời tiết ấm áp nắng ráo nên số người tham dự đông hơn mọi năm. Vài người còn dẫn ông bạn già cùng đến họp, khiến cuộc gặp mặt năm nay càng thêm đông vui, gồm gần hai chục ông già trên dưới 75 tuổi, có người 80 tuổi. Buổi gặp mặt năm nay có  khác hơn mọi năm vì đã diễn ra một cuộc thảo luận khá sôi nổi về một chủ đề  liên quan đến văn hóa và giáo dục.
I. Cuộc mạn đàm ngoài dự  kiến

       Sau  một hồi chào hỏi, tay bắt mặt mừng, thông báo với  nhau về tình hình gia sự, về con cháu nội ngoại, ôn lại những kỷ niệm xa xưa,  nói lên những niềm vui nỗi buồn và đôi điều mong muốn ở tuổi già, chúng tôi cùng nhau ăn uống qua loa nhẹ nhàng, định sẽ đi thăm mấy ngôi chùa ở gần đấy  rồi chụp vài tấm ảnh chung để làm vật kỷ niệm, theo dự kiến. Bỗng bác M.H., một vị khách, vốn là cán bộ cấp cao của ngành giáo dục thông báo:
 Năm nay, có một sự kiện rất đáng mừng, nhất là đối với những người từng làm thầy giáo, đó  là việc Hội đông Nhân dân TP Hà Nội đã quyết định  sắp tới đây sẽ  lấy  tên Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân để đặt cho một đường  phố dài 2km tại nội thành. Giáo sư Nguyễn Lân là một thầy giáo nổi tiếng, một tài năng lỗi lạc, một đại trí thức uyên bác, một nhà sư phạm kiệt xuất. Điều đó thì hầu như mọi  người đều biết, nhưng có lẽ một số bác còn chưa biết những nét cụ thể về cuộc đời của người thầy giáo mẫu mực này, nên tôi  xin phép nhắc lại đôi nét về bậc “sư biểu” huyền thoại của chúng  ta để chia sẻ niềm vui chung.
       GS Nguyễn Lân sinh ngày 14 tháng 6 năm 1906 trong một gia đình nhà nông nghèo, hiếu học ở làng Ngọc Lập, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông  bước vào nghề dạy học rất sớm. Từ năm 1923 đến năm 1935, ông dạy học ở hai trường tư thục Hồng Bàng  vả Thăng Long. Ông đã từng thi  đỗ thủ khoa vào Trường Cao đẳng Sư  phạm Đông Dương  và cũng thi đỗ tốt nghiệp thủ khoa của trường này. Tại Trường Tư thục Thăng Long, cùng với các nhà giáo giỏi như  Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Bình ..., ông đã đào tạo được những tú tài xuất sắc cho Việt Nam. Từ  năm 1935 đến năm 1945,  ông dạy học  tại Huế. Năm 1946, ông  ra Hà Nội và dạy học tại Trường Chu Văn An. Khi kháng chiến bùng nổ, ông đưa vợ con lên vùng Việt Bắc và được cử làm Giám đốc giáo dục Liên khu 10 gồm 6 tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc), Tuyên Quang, Lào CaiHà Giang. Năm 1951, ông được cử đi dạy ở Khu học xá tại  tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Năm 1956, ông giảng dạy và làm chủ nhiệm Khoa Tâm lý- Giáo dục của trường Đại học Sư phạm Hà Nội đến khi về hưu. Cùng với các nhà giáo nổi tiếng và xuất sắc khác như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Ngụy Như Kon-Tum, Đặng Thai MaiNguyễn Khánh Toàn..., ông thuộc lớp người đầu tiên được nhà nước Việt Nam phong Học hàm Giáo sư. Năm 1971, ông về  hưu ở tuổi 65. Từ đó cho đến khi qua đời, ông đã dành trọn thời gian cho việc  nghiên cứu và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Ông đã biên soạn nhiều  cuốn từ điển nổi tiếng  như: Từ điển  Pháp – Việt,  (1981), Từ  điển từ và ngữ Hán - Việt, (1989), Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp – Việt (1993), Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000), v.v. Năm 1988, ông được  nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.  Năm 2001,  ông được trao tặng Giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ cho "Cụm công trình về giáo dục học và từ điển tiếng Việt".  Ngày 7 tháng 8 năm 2003, ông qua đời ở tuổi 97, tại Hà Nội
        Bầu không khí bỗng trầm lắng một lúc, hình như mọi người còn phải cân nhắc, suy nghĩ một lát, rồi bạn  Nguyễn Kỳ lên tiếng:
        ▌Những điều bác khách vừa kể, chúng tôi đều đọc được ở  một số sách báo  gần đây. Trong Diễn văn khai mạc Hội thảo Kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS Nguyễn Lân,  1906 – 2006,  GS TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã  nói:   “.....Nhà giáo nhân dân  Nguyễn Lân  còn la một nhà văn, nhà thơ, một nhà biên soạn từ điển mẫu mực với 42 tác phẩm đồ sộ là những di sản rút ra từ những nghiên cứu, những định hướng  có giá trị về nhân cách trong sự phát triển nền giáo dục của nước nhà nhằm phát huy sức mạnh truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc với những tiến bộ về văn hóa giáo dục của thế giới.”
        Được biết, nhà giáo Nguyễn Lân đã biên soạn  10 quyển từ điển, gồm  5 quyển  được biên soạn “cùng tập thể” và 5 quyển là sản phẩm của một mình ông, trong số đó có hai quyển  quan trọng nhất, đó là Từ điển từ và ngữ Hán Việt (865 trang, Nxb TP Hố Chí Minh, 1989) và Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2111 trang, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2000). Kể về số lượng thì như thế cũng đã khá nhiều. Cuốn sách Từ  điển từ và ngữ Hán – Việt đã được GS Lê Trí Viến khẳng định rằng  “..., nó sẽ là một công cụ tra cứu rất quý không thể thiếu được đối với bất kỳ ai, trước hết là học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu, biên soạn, khi muốn nắm được nghĩa chính xác của các  từ và ngữ Hán-Việt trong tiếng Việt hiện nay”.  Còn về cuốn Từ điển từ  và ngữ  Việt Nam thì GS Vũ Khiêu đánh giá rằng, “...trí tuệ và tâm huyết của tác giả  đã tạo ra một tác phẩm rất có giá trị mà cả xã hội đang mong đợi”. Nhờ sự đánh giá rất cao như vậy cho nên cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam mới in xong trong tháng 3 năm 2000 thì cuối năm  đó nhà giáo Nguyễn Lân được xét tặng  Giải thường Nhà nước.
        Chẳng bao lâu sau đó,  khi  đọc bài Đọc lướt Từ điển từ và  ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân  (chỉ mới “đọc lướt” ba mục chữ cái A, B, C mà đã thấy 107 cái sai!) và bài  Những chỗ sai khó ngờ trong «Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam» của Nguyễn Lân (cả hai bài đều của Huệ Thiên), rồi đến bài  Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt (của Lê Mạnh Chiến) viết về từ điển của Nguyễn Lân thì mọi người  vô cùng  kinh ngạc về thành tích làm hại tiếng Việt của một người vốn  được coi là  có công lao đặc biệt trong việc “gìn giữ và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”. Độc giả chỉ cần gõ tên từng bài kia lên thanh tìm kiếm của Google thì sẽ tìm thấy ngay trên mạng Internet.  Gần đây  có thêm các loạt bài  của Hoàng Tuấn Công (Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân, mục chữ cái nào cũng có sai sót; Những sai lầm mang tính hệ thống trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân; Thử lý giải những sai sót để đời của Nhà biên soạn từ điển – GS Nguyễn Lân, và v.v.)  thì nỗi kinh hoàng càng tăng lên gấp bội. Phài khẳng định rằng, tính xác thực của các bài báo này rất cao, không thể chối cãi  được. Ngay khi còn sống, nhà giáo Nguyễn Lân đã có phản ứng gay gắt đối với bài Đọc lướt Từ điển từ và  ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân của Huệ Thiên nhưng không đưa ra được lý lẽ gì để phản bác. Còn ông  Nguyễn Lân Dũng  (con trai của ông Nguyễn Lân) thì hết sức bực tức  đối với bài Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt của Lê Mạnh  Chiến ngay từ phút đầu tiên khi ông ấy  đọc được trên báo Người Đại biển Nhân dân, nhưng từ đó đến nay đã gần chục năm trôi qua mà ông Dũng cùng những người có tâm trạng như ông ta không thể viết được một dòng phản bác, mặc dầu họ quá thừa quyết tâm và thời gian để làm việc đó.  Đối với trọng trách của một người thầy giáo, không có điều gì tệ hại bằng việc truyền bá những “tri thức” sai lệch, không có điều gì đáng chê trách bằng việc giảng dạy cho người khác những điều mà mình chưa học hoặc chưa hiểu biết kỹ càng. Từ điển về tiếng Việt là sách giúp mọi người hiểu rõ tiếng Việt, là sách tra cứu cho mọi người sử dụng tiếng Việt, gồm cả học sinh và các thầy giáo, các nhà văn, nhà báo, các nhà nghiên cứu, cả người Việt Nam và người nước ngoài. Vẫn biết rằng, biên soạn từ điển là một việc rất khó, nhưng cái khó nằm ở chỗ định nghĩa hoặc giải thích những từ ngữ, những khái niệm quá trừu tượng, quá khó hiểu chứ không phải nằm ở mọi từ ngữ hoặc mọi khái niệm đơn giản hay ở sự nhặt nhạnh các từ ngữ.. Hơn nữa, người biên soạn hoàn toàn chủ động trong việc đưa từ ngữ này vào từ diển hoặc tạm tránh từ ngữ kia, tùy theo thực lực của mình. Như vậy, người giỏi thì biên soạn được từ điển phong phú về số lượng từ ngữ, sâu rộng và chính xác về ngữ nghĩa; người chưa giỏi thì từ điển do ông ta  biên soạn ra  ắt phải nghèo nàn, hời hợt, không đáp ứng được yêu cầu của độc giả, nhưng vẫn có thể hạn chế được mọi sai sót. Nếu biết rõ năng lực của mình, biết đến đâu thì giảng đến đấy,  nhất thiết không được dạy bảo người khác về điều mà mình chưa biết rõ thì làm gì có chuyện sai nhan nhản trong một cuốn từ điển, ngay cả ở những từ ngữ rất bình thường, rất đơn giản. Thật đáng ngạc nhiên khi người ta  cố ý lảng tránh những lời cảnh báo về những cuốn từ điển có hại kia và cứ ca tụng một chiều, quá đáng,  bỏ qua sự thật, rồi nâng tác giả của những cuốn từ điển ấy thành bậc  “sư biểu”, tức  là  mẫu mực về học vấn và đạo đức ▌
        Mọi người tần ngần, dường như chờ đợi ý kiến của bác M.H. nhưng một lúc sau vẫn không thấy ông có ý kiến gì. Dường như ông không thể có ý kiến gì khác. Ông chủ nhà xin phép nói:
        ▌Trong 10 năm gần đây, đã xuất hiện  ba cuốn  sách chuyên đề về nhà giáo Nguyễn Lân. Thứ nhất là cuốn Vinh quang nghề thầy (NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004, 440 trang) do Nguyễn Lân Dũng tuyển chọn hoặc mời người viết bài. Thứ hai là cuốn Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân với sự nghiệp trồng người – Kỷ yếu hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư NL 1906 – 2006 (gọi tắt là Kỷ yếu I, 114 trang, do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành ngày 14 tháng 6 năm 2006). Thứ ba là cuốn  Nhà giáo Nhân dân Giáo sư  Nuyễn Lân – cuộc đời và sự nghiệp (gọi tắt là Kỷ yếu II, 220 trang, do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành tháng 12 năm 2013).
 
Trang bìa ba cuốn sách về Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân
       Chúng tôi đã đến các cơ quan xuất bản các tập sách  này để hỏi mua nhưng đều được trả lời rằng: “Đây là sách do gia đình GS Nguyễn Lân bỏ tiền ra in để biếu nhằm tuyên truyền trong phạm vi cần thiết chứ không bán”. Cả ba cuốn sách đều không ghi giá bán ngoài bìa. Ngay cà Thư viện Quốc gia cũng không có ba cuốn sách này. Thực chất, chúng là những bản xưng tụng trong nội bộ gia đình, là những nén hương của con cháu, của học trò, của  những người thân, những người ngưỡng mộ hoặc có quan hệ xa gần nào đó thắp trên bàn thở để tưởng niệm người quá cố. Bởi vậy, những  bài viết trong đó không cần tính chính xác, tính  chặt chẽ, miễn sao cứ viết thật hay thật đẹp về  người  đã khuất, không cần  dẫn chứng. Độc giả của chúng (là những người được tặng sách)  cũng là  những đối tượng được  chọn lọc kỹ càng.
        Người ta đã hiểu lầm khi coi những buổi tưởng niệm người quá cố với những bài tán tụng một chiều là những hội thào khoa học, coi các tập Kỷ yếu về các hội thảo ấy là những văn bản đánh giá, khẳng định  công lao, thành tích khoa học sáng ngời và phẩm chất vô cùng cao quý của người quá cố, rồi từ đó dựng nên một thần tượng để cho thế hệ hiện tại và mọi thế hệ mai sau tôn thờ. Điều đó đã dẫn đến Quyết định của HĐND thành phố Hà Nội về việc sử dụng tên Nguyễn Lân để đặt cho một con đường lớn ở trong thành phố. Sự thật thì ba tập sách kia về nhà giáo Nguyễn Lân hoàn toàn  không  đủ độ tin cậy để đánh giá  tài năng và cống hiến của ông.  Chúng tôi đã có ý định tổ chức  một cuộc thảo luận về vấn đề này trong đám bạn bè cùng  những người quan tâm, nhằm kiểm chứng những điều đã được viết trong đó.
       Hôm nay, nhân việc bác M.H. nhắc đến tin này,  bạn Nguyễn  Kỳ và tôi đã phát  biểu vài lời hé lộ chút ít sự thực. xung quanh huyền thoại về nhà giáo Nguyễn Lân. Lâu nay, tôi và một số bạn có mặt ở đây đã chú ý đến huyền thoại này  nên đã thu thập được khá nhiều chứng cứ quan trọng đủ để khẳng định được một số điều rất cụ thể.  Mong  rằng, sắp tới chúng ta sẽ có một cuộc họp mặt để thảo luận về câu chuyện này.▌
          Mọi người trao đổi  rì rầm một lúc. Vài phút sau, có người lên tiếng:
          - Vậy thì ngay hôm nay, ông chủ nhà cứ “thuyết trình” cho chúng tôi nghe rồi mọi người cùng mạn đàm có phải tiện lợi hơn không? Tôi  đề nghị mọi người  không đi thăm chùa chiền  nữa, để nghe thêm về câu chuyện hấp dẫn và bổ ích này. Các bác có đồng ý như vậy không?
        Có tiếng nói to:  “Chuyện đáng quan tâm như thế, bỏ dở sao đành”.
         Mọi người đồng thanh lên tiếng: “hãy cứ tiếp tục ”.
         Chủ nhà vui vẻ đáp :

       Nói là “thuyết trình” thì  có vẻ  trịnh trọng quá, chúng tôi không dám nhận lời.  Nhưng các bác có thể đặt câu hỏi, tôi và các bạn khác biết đến đâu thì  trả lời đến đấy, và mọi người chắc cũng có nhiều ý kiến đóng góp thêm. Cần phải nói ngay rằng, nhiều người đã nghe nói hoặc đã  đọc các bài viết về nhiều phẩm chất  tốt đẹp tuyệt vời của nhà giáo Nguyễn Lân (tuy không có dẫn chứng cụ thể), trong đó, phần  lớn đều  là  những lời ngoa truyền, khác xa sự thực nên  chưa mấy ai biết về những “mặt trái” rất đáng chê trách của ông cùng  những tai hại do chúng gây ra. Mặc dầu đã có một số tác giả vạch rõ rất nhiều sai lầm ngbiêm trọng trong các từ điển của nhà giáo Nguyễn Lân,  với đầy đủ dẫn chứng chặt chẽ, nghiêm túc và có trách nhiệm nên suốt nhiều năm qua không ai bác bỏ được, nhưng dường như những lời tán tụng một chiều vẫn che khuất  những tiếng nói trung thực.  Bởi vậy, ở đây chúng ta cần nói rõ  vè những sự thực còn ít người biết về  nhà giáo này, với những dẫn chứng rất cụ thể, “nói có sách, mách có chứng”.

       Thế là cuộc gặp mặt đầu năm của nhóm cựu học sinh  chúng tôi chuyển thành một cuộc  mạn đàm, tạm  gọi là  “Góp phần tìm hiểu về nhà giáo Nguyễn Lân”.  Ông chủ nhà ôm ra một chồng lớn gồm  một số quyển sách, nhiều tờ báo và nhiều bài báo in rời để giúp cử tọa  tìm hiểu và đặt câu hỏi. Mọi người vừa lắng nghe vừa háo hức chuyền tay nhau đọc lướt qua các tập sách báo để tìm hiểu  thêm.

II.
Trả lời một số câu hỏi thiết thực

      
Câu hỏi 1
:  
    Bác M.H. đã nói về những sự kiện quan trọng trong quãng đời học tập và giảng dạy của Nhà giáo  Nguyễn Lân,  trong đó có những điều gì chưa đúng hoặc thiếu chính xác?
    
Trả lời:
       ▌Bạn Nguyễn Kỳ vừa nói rằng, “Những điều bác khách vừa kể, chúng tôi đều đọc được ở  một số sách báo  gần đây”. Đó là sự xác nhận về việc bác M.H. đã nói rất trung thực theo những điều đã được ghi nhận trên sách báo. Chỉ có điều oái oăm là, các sự kiện đó được các tác giả viết đi viết lại mà vẫn không  ăn khớp với nhau, nhiều khi không đúng. Sau đây là một số ví dụ.

●  Tiểu sử Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân (ở sách  Vinh quang nghề thầy và cả ở Kỷ yếu I)   đã ghi: “Dạy học tại hai trường tư thuc  Hồng Bàng và Thăng Long (từ 1923 đến 1935)”, và “Chủ nhiệm khoa Tâm lý – Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1956 đến năm 1971 (về nghỉ hưu)
●  GS Nguyễn Đình Chú viết: “Năm 1932, Nguyễn Lân tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương và chính thức bước vào nghề dạy học, mở trường tư thục Thăng Long ở Hà Nội.” (Kỷ yếu II, trang 11) ;
●  PGS Lê Khánh Bằng viết : “Năm 1927, thầy đỗ khoa thi vào Trường Cao đẳng  Sư  phạm Đông Dương. Năm 1932, thầy dạy tại trường Thăng Long, Hà Nội “ ....Năm 1956, thầy về dạy tại Khoa Tâm lý – Giáo dục của trường ĐH SP HN , rối sau đó làm chủ nhiệm khoa. Thầy đã được phong học hàm Giáo sư (Kỷ yếu II,trang 89, 90 )
●  Th.S Vũ Thị Mai Hường viết: “Năm 1932, Nguyễn Lân tốt nghiệp  thủ khoa Trường Cao đẳng  Sư phạm Đông Dương và chính thức bước vào nghề dạy học. Ông đã bắt đầu với việc mở Trường Tư thục Thăng Long ở Hà Nội” (Kỷ yếu II, trang 208 -209 ).
●  Th.S Nguyễn Thúy Quỳnh viết: “Năm 1927, Nguyễn Lân đỗ thủ khoa vào Trường  Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1932, ông dạy tại trường Hồng Bàng, sau đó, làm giám học và dạy 2 môn Văn, Sử tại Trường Thăng Long. Cùng với các nhà giáo giỏi như Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Bình..., ông đã đào tạo ra những tú tài xuất sắc cho Việt Nam (Kỷ yếu II, trang 195). 
●  Bản tin của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (do Minh Vượng tổng hợp) viết:  “Năm 1927,  ông thi đỗ Thủ khoa vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1932, tốt nghiệp thủ khoa của trường, ông về dạy học tại Trường Hồng Bàng (Hải Phòng); sau đó làm giám học và dạy 2 môn Văn, Sử  tại Trường Thăng Long (Hà Nội). Tại Trường Tư thục Thăng Long, cùng với các nhà giáo giỏi như Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Bình ... ông đã đào tạo được những tú tài xuất sắc cho Việt Nam. Từ năm 1935 đến năm 1945 ông sinh sống tại Huế.”
 ● Từ điển Wikipedia tiếng Việt, trong bài tiểu sử nhà giáo Nguyễn Lân cũng viết: Năm 1927: Ông thi đỗ Thủ khoa vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương.     

       Rõ ràng là những điều bác M.H. đã nói về nhà giáo Nguyễn Lân đều đã được đăng tải trên các sách báo. Phải nói rằng, bác M.H. nhớ rất chính xác những điều mà mình đã đọc.
     Theo “Hồi ký giáo dục” do chinh nhà giáo Nguyễn Lân viết (mà những người có bài trong hai tập Kỷ yếu hội thảo I và II đều được phân phát từ trước) thì năm 1927, ông mới tốt nghiệp Trường Bưởi (tương đương  tốt nghiệp Trung học cơ sở, tức là lớp 9 hiện nay)  nhưng không  thi vào Cao đẳng Sư phạm, mà xin dạy tiểu học tại Trung Bắc học hiệu ở phố Lý Quốc Sư hiện nay (Vinh quang nghề thầy, trang 16) . Như vậy, năm 1923, ông mới tốt nghiệp tiểu học, chưa đi dạy học. Năm 1927, ông chưa thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Đông dương nên không thể đỗ thù khoa trong kỳ thi vào trường năm ấy, như nhiều người đã viết. Năm 1929,  ông mới thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm (không thấy nói đỗ thủ khoa trong kỳ thi này), đến năm 1932 thì tốt nghiệp (ông viết là đỗ đầu trong nhóm 7 người học Văn) và ra dạy học tại Trường tư  thục Hồng Bàng  ở phố Hàng Trống  (trang 19). Dạy ở trường Hồng Bàng 2 năm, ông mới chuyển sang dạy Trường Thăng Long từ năm 1934,  đến năm 1935 thì ông bị chuyển vào Huế. Tuy nhiều tác giả viết rằng ông là  người  sáng lập Trường tư thục Thăng Long, nhưng không phải như vậy, vì trường này đã được thành lập từ năm 1929 (khi ông Nguyễn Lân mới bắt đầu vào học Cao đẳng Sư phạm). Sự thực là như vậy:  ngày 19/11/2009 trường này đã  làm lễ  kỷ niệm  80 năm thành lập, (xem: http://www.vietnamplus.vn/80-nam-thanh-lap-truong-tieu-hoc-thang-long/25765.vnp), có Phó chủ tịch nước là bà Nguyễn Thị Doan tham dự.
 
        Trong ”Hồi ký giáo dục”, Nhà giáo Nguyễn Lân cho biết, Trường Thăng Long lúc bấy giờ (năm 1934) chỉ được phép đào tạo học sinh đi thi Cao đẳng tiểu học (tương đương với Trung học cơ sở hiện nay) vì ông Hiệu trưởng Phạm Hữu Ninh chỉ có bằng Cao đẳng tiểu học. Trong niên khóa 1934 – 1935, trường này có tổ chức ôn thì cho hơn 30 học sinh chuẩn bị thi tú tài phần 1  và đã có 7 người thi đỗ. Những học sinh này đều học ở các nơi khác là chính, chỉ nhờ các thầy ở Trường Thăng Long kèm cặp thêm. Sự thi đỗ hay trượt là do sức học của họ là chính, không thể nói là do Trường Thăng Long đào tạo, càng không thể nói là do thầy giáo Nguyễn Lân đào tạo.

        Cũng theo “Hồi ký giáo dục”, đến năm 1965, Trường Đại học  Sư phạm Hà Nội mới có Khoa Tâm lý – Giáo dục. Nhà giáo Nguyễn Lân làm Chủ nhiệm khoa đầu tiên, từ  năm 1965 đến năm 1971 chứ không phải từ  năm 1956 đến năm 1971 như đã ghi trong tiểu sử. Trước năm 1965, ông làm tổ phó Tổ Tâm lý – Giáo dục. Thầy giáo Nguyễn hữu Tảo (1900 – 1966) - người mà ông Nguyễn Lân coi là bậc đàn anh về tuổi tác và về kinh nghiệm,  đã giữ chức Tổ trưởng cho đến khi về hưu (cuối năm 1964). Ông Nguyễn Lân viết: “Khi cụ Tảo xin về hưu, tôi lại trở thành tổ trưởng” (Vinh quang nghề thầy, trang 40).

       Hiện nay không có  bằng chứng để khẳng định tính xác thực của  “Hồi ký giáo dục”  này (ví dụ như các giấy tờ cũ của các trường  mà Nhà giáo Nguyễn Lân theo học, các bản tin trên báo chí đương thời,  v.v.)  nhưng đây là tài liệu duy nhất nói về những sự kiện trong quãng đời đi học và dạy học của ông, do chính ông viết ra,  cho nên, đó vẫn là tài liệu duy nhất đáng tin hơn cả.  Nhưng  người tuyển chọn bài, những người viết bài và những người biên tập ba quyển sách ca ngợi nhà giáo Nguyễn Lân  vẫn không cần chú ý đến những sự sai lệch, thiếu nhất quán ngay trước mắt như thế, điều đó chứng tỏ rằng họ không quan tâm  đến sự đúng hay sai, chỉ cần gán cho nhà giáo Nguyễn Lân thật nhiều thành tích và phẩm chất cao quý, theo hướng đã định sẵn . Do đó, có thể tin rằng, các bài viết để tán tụng nhà giáo Nguyễn Lân không thể phản ánh nhứng giá trị thực trong cuộc đời và sự nghiệp của ông
      
Câu hỏi 2:
        Bác M.H. còn nói rằng, nhà giáo Nguyễn Lân  cùng với các nhà giáo nổi tiếng và xuất sắc khác như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Ngụy Như Kon-Tum, Đặng Thai MaiNguyễn Khánh Toàn... thuộc lớp người đầu tiên được nhà nước Việt Nam phong Học hàm Giáo sư, và  chính nhà giáo Nguyễn Lân cũng luôn luôn tự nhận mình là Giáo sư nhưng nhiều cựu sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nồi  người vẫn nói rằng,  ông Nguyễn Lân chỉ là Giáo sư tự phong mà thôi.. Vậy, đâu là sự thực?

        Trả lời:
       ▌Nhà giáo Nguyễn Lân đã được hầu hết mọi người gọi là Giáo sư. Các nhà lãnh đạo như Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, các vị Bộ trưởng, Hiệu trưởng, v.v., đều gọi như thế. PGS Lê Khánh Bằng ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng khẳng định: “Thầy đã được phong học hàm Giáo sư”. Chính ông Nguyễn Lân cũng luôn luôn ghi danh hiệu Giáo sư ở các bài báo hoặc các quyển sách của mình..  
        Tiểu sử của nhà giáo Nguyễn Lân  ở từ điển  Wikipedia tiếng Việt  trên mạng Internet (hiển nhiên là đã được thân nhân của nhà giáo Nguyễn Lân hoàn toàn tán thành), được  viết như sau:
● Năm 1927: Ông thi đỗ Thủ khoa vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. (sai!)
● Năm 1932: Ông dạy tại Trường Hồng Bàng, sau đó làm giám học và dạy 2 môn văn, sử tại Trường Thăng Long. Tại Trường Tư thục Thăng Long, cùng với các nhà giáo giỏi như Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Bình... , ông đã đào tạo ra những tú tài xuất sắc cho Việt Nam.
● Từ năm 1935 đến năm 1945: ông sinh sống tại Huế
..........
● Năm1956: Ông về dạy tại khoa tâm lý giáo dục của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông cùng với các nhà giáo nổi tiếng và xuất sắc khác như: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Ngụy Như Kon Tum, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn... là lớp người đầu tiên được nhà nước Việt Nam phong Học hàm Giáo sư.
●  Năm 2001: Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ cho "Cụm công trình về giáo dục học và từ điển tiếng Việt".

        Như vậy, rất nhiều người, rất nhiều tài liệu đã khẳng định rằng, nhà giáo Nguyễn Lân là một trong những người đầu tiên  đã được phong tặng chức danh Giáo sư, cùng với các trí thức nổi tiếng khác như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, v.v. Tuy nhiên, muốn biết nhà giáo Nguyễn Lân có được phong học hàm  Giáo sư hay không, chúng ta phải dựa vào các Quyết định chính thức của Nhà nước trong các lần phong tặng học hàm Giáo sư.
      
       Trong Quyết định 162/CP do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 11 tháng 9 năm 1956 về việc phong hàm giáo sư cho 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu (trong đó có các ông Tạ quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, v.v.), có tên những người sau đây:
       Quyết định này không ghi tên nhà giáo Nguyễn Lân. Như vậy, ông Nguyễn Lân   không được phong học hàm Giáo sư trong đợt đầu tiên (năm 1956) như mọi người vẫn ngoa truyền.  Ở các đợt phong học hàm Giáo sư  tiếp theo  (vào các  năm 1980,  1984,  1986, 1988, 1989, 1991, 1992, 1996, 1997,  2001, 2002, 2003) cũng không có tên nhà giáo Nguyễn Lân.
         Hầu như tất cả  các nhà giáo đã từng được Chính phủ mời  ra dạy Đại hoc hối cuối năm 1945 hoặc đã day các  lớp Dự bị Đại học trước năm 1954 đều được phong Giáo sư theo Quyết định 162/CP  năm 1956. Chỉ có hai vị trong số đó không được phong Giáo sư, đó là cụ Cao Xuân Huy và cụ Nguyễn Thúc Hào (đều quê ở Nghệ An), có lẽ vì họ xuất thân từ các gia đình địa chủ, quan lại. Nhà giáo Nguyễn Lân đến năm 1956 mới được cử vào bộ môn Tâm lý – Giáo dục ở Đại học Sư  pham Hà Nội, làm phụ tá cho nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo (1900 – 1966) cho đến hết năm 1964. Nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo (về hưu tháng 12/1964) chưa được phong học hàm Giáo sư, bởi vậy,  nhà giáo Nguyễn Lân không được phong Giáo sư là lẽ đương nhiên.                                                                                                                                                                                                                                                                                                 
      Năm 2004,  Nhà xuất bản Khoa học Xã hội  cùng với Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã xuất  bản  cuốn sách  GIÁO SƯ VIỆT NAM (khổ 19x27cm, 1132 trang; mỗi trang đều in ảnh, sơ yếu lý lịch và thành tích khoa học của một giáo sư) Tại trang 11 có DANH SÁCH CÁC GIÁO SƯ  ĐƯỢC NHÀ NƯỚC PHONG TRƯỚC NĂM 1980, gồm 29 người, sắp xếp tên theo thứ tự ABC, như sau:
  1. ĐÀO DUY ANH  (Sử học)
  2. TẠ QUANG BỬU (Toán học)
  3. ĐẶNG VĂN CHUNG (Y học)
  4. LƯƠNG ĐỊNH CỦA (Nông học)
  5. HỒ ĐẮC DI  (Y học)
  6. TRẦN VĂN GIÀU (Sử học)
  7. NGUYỄN HOÁN  (Hóa học)
  8. VŨ CÔNG HÒE (Y học)
  9. ĐỖ XUÂN HỢP (Y học)
  10. NGUYỄN VĂN HUYÊN (Sử học)
  11. ĐẶNG VŨ HỶ (Y học)
  12. ĐẶNG THAI MAI (Văn học)
  13. TRẦN ĐẠI NGHĨA  (Cơ khí)
  14. NGUYỄN XUÂN NGUYÊN (Y học)
  15. ĐẶNG VĂN NGỮ  (Y học)
  16. ĐẶNG VĂN NỘI  (Y học)
  17. TRƯƠNG CÔNG QUYỀN (Y học)
  18. PHẠM NGỌC THẠCH (Y học)
  19. TRẦN ĐỨC THẢO (Triết học)
  20. ĐINH VĂN THẮNG. (Y học)
  21. LÊ VĂN THIÊM (Toán học)
  22. PHẠM HUY THÔNG (Sử học)
  23. NGUYỄN KHÁNH TOÀN (Sử học)
  24. HOÀNG TÍCH TRÝ  (Y học)
  25. NGỤY NHƯ LON TUM (Vật lý)
  26. TÔN THẤT TÙNG  (Y học)
  27. TRẦN HỮU TƯỚC (Y học)
  28. NGUYỄN MẠNH TƯỜNG (Văn học)
  29. TRƯƠNG TỬU (Văn học)
        Danh sách này hoàn toàn phù hợp với danh sách kèm theo Quyết định 162/CP  kể trên.  Ở đó  không có tên nhà giáo Nguyễn Lân.
      Từ  trang 13 đến trang 1100 ghi tên các Giáo sư được phong trong các đợt tiếp theo đến năm 2003, cùng với tiểu sử và thành tích của từng người (mỗi vị chiếm  trọn 1 trang nhưng  một số vị không nộp hồ sơ thì được ghi tên chung trong một số trang, không có ảnh và không có tiểu sử). Gần hai chục trang cuối cùng là Danh sách 1094 Giáo sư được phong từ đợt đầu tiên năm 1956 đên năm 2003, sắp xếp tên theo thứ tự ABC. Trong số đó có một người tên là Nguyễn Lân nhưng ông này là Kiến trúc sư, sinh năm 1940, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế  chứ không phải là nhà biên soạn từ điển Nguyễn Lân.
        Trong đám thư từ chúc tết và mừng thọ nhà giáo Nguyễn Lân khi ông còn sống (in trong quyển Vinh quang nghề thầy do ông Nguyễn Lân Dũng tuyển chọn bài vở), người ta thấy  Cố thủ tướng  Phạm Văn Đồng đã gọi ông  là “Lão đồng chí”,  Cố  phó thủ tướng  Tố Hữu thì gọi ông là “thầy”, Cựu phó thủ tướng Nguyễn Khánh thì gọi ông là ‘bác”, chứ không gọi ông là “Giáo sư”.  Các  vị cựu lãnh đạo này rất cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn từ. Họ không nhầm, không sơ hở trong cách xưng hô. ▌
       Một người lên tiếng:
        Như vậy, rõ ràng là nhà giáo Nguyễn Lân chưa từng được Nhà  nước  phong học hàm Giáo sư. Danh hiệu Giáo sư của nhà giáo Nguyễn Lân là  một danh hiệu  tự phong. Chính ông cùng các con cháu của ông  đã quảng bá danh hiệu đó một cách công  nhiên, đầy tự hào, coi như một danh hiệu chính thức  có thật.